Làng Văn hoá Du lịch

Du lịch cộng đồng
DU LỊCH BỐN MÙA VÙNG CAO TÂN SƠN LỤC NGẠN

DU LỊCH BỐN MÙA VÙNG CAO TÂN SƠN LỤC NGẠN

15 Tháng 11, 2023

Ngôi nhà cổ ở bản Bắc Hoa Tân Sơn là một xã vùng cao của huyện Lục Ngạn. Hành trình từ thành phố Bắc Giang đến Tân Sơn mất chừng hơn 1 giờ xe chạy. Từ thành phố Bắc Giang theo đường tâm linh Tây Yên Tử đến Tân Sơn khá thuận lợi. Nơi đây là địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào các dân tộc như Nùng, Kinh, Tày…Tân Sơn hiện vẫn giữ được nhiều tập tục văn hóa truyền thống tốt đẹp, phong cảnh làm mê lòng người. Tân Sơn vào bất cứ mùa nào trong năm cũng đều có vẻ đẹp riêng khiến du khách không khỏi trầm trồ. Chợ phiên Tân Sơn Đến Tân Sơn vào mùa Xuân du khách được thỏa thích ngắm nhìn khu vườn trồng Vải vươn dài, trải rộng từ vùng thấp đến vùng cao được hít thở môi trường sinh thái trong lành mát mẻ, một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp khoác trên mình tấm áo trắng tinh khôi của hoa vải sẽ thấy lòng mình thư thái đến lạ thường, hương thơm từ mật hoa đã mời gọi hàng chục nghìn đàn ong về làm mật. Hay được đến thăm quan, chụp ảnh, hòa mình vào không khí trong trẻo, yên bình của những vườn hoa Mận, hoa Mơ nở trắng xóa cả một vùng trời; đến Tân Sơn vào tháng 3 lại tràn ngập sắc đỏ rực rỡ từ những hàng cây gạo cổ thụ mọc bên đường, khung cảnh mùa xuân Tân Sơn thật đẹp. Được đi Chợ phiên, Chợ phiên Tân Sơn có từ lâu đời, là nơi tụ họp, trao đổi mua bán hàng hóa của người dân quanh vùng. Chợ họp đều đặn 5 ngày một lần vào các ngày 2 và 7 trong tháng. Tuy nhiên có một phiên chợ đặc biệt hơn cả đó là Chợ tình Thác Lười-Tân Sơn được tổ chức vào ngày 12 đến 14 tháng giêng hàng năm. Đây là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Nùng nơi đây. Hát Slooong hao là cách hát đối đáp, giao duyên của các chàng trai, cô gái người Nùng ở các lễ hội xuân. Lời ca là các câu hát đối đáp về tình yêu, phong tục tập quán, thể hiện tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương đất nước. Qua lễ hội và lời hát giao duyên, nhiều đôi trai gái đã nên vợ nên chồng. Chính vì vậy địa điểm Thác Lười-Tân Sơn-Lục Ngạn ở lễ hội mùa xuân được coi là: Chợ tình Thác Lười-nơi các chàng trai cô gái thanh xuân dân tộc Nùng đi hát hội, cũng là dịp tìm bạn đời tri kỷ trăm năm. Chợ tình Tân Sơn mang dấu ấn đậm nét của văn hoá cộng đồng dân tộc Tày-Nùng…. đó là nét văn hoá lâu đời của ông cha để lại. trải nghiệm mùa vải thiều chín ở Vùng cao Lục Ngạn Còn mùa Hạ, vùng cao Tân Sơn lại được tô điểm bởi màu đỏ rực của vải thiều chín. Hương vị ngọt ngào của quả vải cùng với tình người đất vải đang là điểm nhấn mời gọi du khách gần xa về với vùng quê Tân Sơn. Du khách đến với Tân Sơn vào dịp này sẽ thỏa sức đi thăm các vườn vải thiều chín, được tận tay hái những quả vải chín mọng trên cây để mềm môi thưởng thức mà cảm nhận được duyên đất và tình người được chắt chiu trong đó. Mùa thu vùng cao Tân Sơn không gì sánh được bởi bạt ngàn những ruộng hoa cải cúc đủ sắc màu; du khách được dự tết dân tộc Nùng, đó là tết ngày 15/7 (âm lịch) là phong tục truyền thống có từ lâu đời của bà con dân tộc Tày, Nùng Tân Sơn nói riêng và huyện Lục Ngạn nói chung. Đây là dịp để các con cháu báo hiếu, thể hiện tình cảm đối với gia tiên, ông bà, bố mẹ, người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng. Theo quan niệm của người Tày -Nùng về tầm quan trọng và sự linh thiêng của rằm tháng 7 không kém gì so với Tết cổ truyền nên dù có bận rộn đến mấy thì những ngày này nhiều người vẫn gác lại công việc để về bên gia đình. Tục đón rằm tháng 7 của người Tày-Nùng diễn ra 02 ngày chính là ngày 14 và 15 tháng 7 Âm lịch, các lễ vật không thể thiếu bao gồm: Vịt, thịt gà, lợn, bánh gai, bánh chuối (tiếng Tày gọi là pẻng tải), hoa quả, bánh kẹo, rượu…Đến rằm tháng 7 còn nhắc nhở người con gái Tày-Nùng khi đi lấy chồng xa, ngày đó con gái và con rể sẽ mang đôi vịt về biếu bố mẹ, gọi là tục “pây tái”, thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, hiếu thuận với cha mẹ. Mặc dù trong nhịp sống hiện đại ngày nay con người trở nên bận rộn với công việc, cuộc sống mưu sinh nhưng Tết rằm tháng 7 vẫn là một cái Tết thiêng liêng, ý nghĩa mà đồng bào Tân Sơn luôn coi trọng, gìn giữ. Người dân Tân Sơn đi học làm du lịch Mùa Đông Tân Sơn du khách đến với làng cổ Bắc Hoa- Bắc Hoa đẹp như một cô gái miền sơn cước, mộc mạc, bình dị mà nên thơ…Hai bên đường đi là những đồi cây xanh mát, những ngôi nhà ẩn hiện trong những đồi vải điệp trùng. Nổi bật trên những vạt đồi vải xanh mướt mát là những ngôi nhà mái ngói âm dương lô xô để lại nhiều ấn tượng cho những người có dịp đặt chân đến Bắc Hoa. Ngay bên đường chính vào thôn có những ngôi nhà cổ trình tường đất nằm san sát khiến ai qua cũng muốn dừng chân. Tại đây có 17 hộ gia đình, chủ yếu là anh em dòng tộc sống quây quần thành một chòm xóm nhỏ. Các nhà nơi đây hầu như không có sự ngăn cách. Từ sân nhà nọ có thể bước luôn sang nhà kia, hoặc chỉ phân chia ranh giới bằng các lối đi chung, những hàng rào cây, đá xếp chồng lên nhau hoặc những vạt hoa dại… Cả 17 hộ ở đây đều còn giữ được nếp nhà truyền thống trình tường đất và mái ngói âm dương khơi gợi sự kết nối giữa hiện tại và quá khứ. Bên nếp nhà trình tường, du khách được ngắm nhìn những cụ già, những cô gái...ngồi bên khung cửi dệt những tấm khăn nhuộm chàm để bán cho người dân tộc mình dùng trong mỗi dịp hội xuân…là hình ảnh khiến người ta liên tưởng đến sự vĩnh hằng của những nét văn hoá truyền thống sẽ trường tồn theo thời gian. Về với vùng cao Tân Sơn Lục Ngạn du khách không chỉ được thỏa sức ngắm nhìn cảnh đẹpmà còn  được tìm hiểu về văn hóa, truyền thống và con người nơi đây, được thưởng thức các món ăn đặc sản của đồng bào các dân tộc vùng cao như: Xôi 7 màu, thịt gà trống thiến, thịt lợn quay, xôi trứng kiến, bánh vắt vai, bánh lá cỏ, kẹo khẩu sa, khâu nhục rượu men lá người Nùng…  Tân Sơn một điểm đến vô cùng hấp dẫn.                                                                                                                               Lê Đức Cương