20 Tháng 12, 2024
Lục Ngạn là huyện miền núi phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang khoảng 40km, giáp các huyện Lục Nam, Sơn Động (Bắc Giang), huyện Hữu Lũng, Lộc Bình, Chi Lăng (Lạng Sơn). Huyện có 29 xã (12 xã vùng cao) và thị trấn Chũ, với diện tích 103.253,05 ha, dân số hơn 226.000 người; có 8 dân tộc chính (Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chí, Dao, Hoa), trong đó, dân tộc thiểu số chiếm trên 49% dân số.
Du khách biết đến Lục Ngạn bởi nơi đây được xem là vựa trái cây lớn nhất miền Bắc, hay được biết đến với “Kinh đô vải thiều”. Diện tích trồng vải là 15.290 ha với sản lượng khoảng 90-100 nghìn tấn/năm. Trái vải của Lục Ngạn có chất lượng vượt trội, vị thế thương hiệu của sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đã được khẳng định không chỉ ở thị trường trong nước mà ở hầu khắp các thị trường lớn như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, Úc, Trung Quốc… Vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp bằng chứng nhận Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản; đồng thời được bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu tại hàng chục quốc gia trên thế giới và được tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập vải thiều Lục Ngạn lọt danh sách kỷ lục châu Á.
Với diện tích cây ăn quả hơn 28.000ha, hằng năm, Lục Ngạn có 4 mùa hoa trái để đón khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm. Từ tháng 1 đến tháng 3 hằng năm có cam và táo, hoa mận, hoa cam, bưởi và vải; tháng 3 ngắm hoa và trải nghiệm quay mật ong; tháng 5, 6, 7 là mùa thu hoạch quả vải; tháng 7, 8 có nhãn; từ tháng 9 đến tháng 12 có cam, bưởi, táo, ổi, chuối...
Vùng đất Lục Ngạn được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng, rất phù hợp phát triển nhiều loài cây ăn quả và các sản phẩm địa phương chất lượng cao. Lục Ngạn còn có Ổi, Thanh long ra trái quanh năm. Trái cây Lục Ngạn có chất lượng đặc sắc, thơm ngon đậm vị, an toàn; diện tích rộng lớn, trải đều khắc các xã, thị trấn trong huyện và được trồng với trình độ thâm canh cao theo các quy chuẩn an toàn Vietgap, GlobalGap. Với chất lượng trái cây cao, mẫu mã đẹp nên trái cây Lục Ngạn đã định vị được thương hiệu trên thị trường cả nước, được xuất khẩu sang những thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ...
Bên cạnh phát triển các loại cây ăn quả, Lục Ngạn còn có một số sản phẩm truyền thống, đặc trưng đã được người tiêu dùng trong, ngoài nước biết đến, như: Mỳ Chũ, rượu Kiên Thành, mật ong, gạo nếp, phấn hoa vải thiều (trên 50 tấn/năm); dấm trái cây (100.000 lít/năm),…
Về tài nguyên văn hóa, xã hội Lục Ngạn cũng có nhiều lợi thế cho phát triển du lịch đó là: Cư dân năng động, thân thiện mến khách, sắc màu văn hóa dân tộc đa dạng, phong phú. Lục Ngạn có 8 dân tộc, trong đó nhiều dân tộc ít người còn giữ được những nét văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, đặc sắc như các phiên chợ vùng cao Tân Sơn, các hội hát Sloong hao, dân ca Sán Chí xã Kiên Lao và dân ca Cao Lan xã Đèo Gia được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia...Hệ thống 42 di tích lịch sử văn hóa có được xếp hạng di tích cấp tỉnh và Quốc gia, tiêu biểu như Đền Hả, đền Cầu Từ, Chùa Am Vãi...Các thôn, tổ dân phố đều có đội nghệ thuật có thể phát triển thành các sản phẩm phục vụ khách du lịch. Huyện còn có bản Bắc Hoa với 160 hộ dân hiện vẫn còn lưu giữ dc hơn chục nếp nhà trình tường hơn 100 năm tuổi.
Nhằm quảng bá, giới thiệu, cung ứng các loại trái cây chất lượng cao, những sản phẩm đặc trưng được chế biến từ nông, lâm sản của các xã, thị trấn trong huyện ra thị trường; đồng thời kết nối giữa nhà nông với doanh nghiệp, thu hút du khách, tạo điều kiện phát triển kinh tế du lịch của huyện, từ năm 2016 UBND huyện Lục Ngạn đã tổ chức Hội chợ cam bưởi và trái cây huyện Lục Ngạn.“Đây là dịp khẳng định chất lượng trái cây, tôn vinh thành quả lao động của người dân, tạo cơ hội tìm hiểu, liên kết “4 nhà” giữa người dân - doanh nghiệp – nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, thu hút du khách, phát triển du lịch sinh thái, vườn đồi; từng bước xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho cây ăn quả và sản phẩm chủ lực của huyện”. Tiếp nối thành công đó, năm nay, huyện Lục Ngạn quyết định tổ chức Hội chợ cam, bưởi và Tuần Du lịch huyện Lục Ngạn năm 2024 với nhiều hoạt động đặc sắc. Trong chuỗi sự kiện của Tuần Du lịch huyện Lục Ngạn năm 2024 sẽ bố trí 02 khu trưng bày với khoảng 30 gian hàng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, UBND các xã trưng bày các sản phẩm đặc trưng và quảng bá du lịch của địa phương. Tổ chức thi gian hàng đẹp của các xã, thị trấn. Tại đây, các doanh nghiệp, HTX sản xuất sản phẩm đặc trưng, các HTX du lịch trên địa bàn tổ chức các hoạt động cao điểm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch, các gói ưu đãi thu hút du khách đến thăm…
Xác định những lợi thế, tiềm năng và cơ hội cho phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) và sinh thái, huyện Lục Ngạn đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng huyện Lục Ngạn giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030. Bằng các giải pháp, nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh và địa phương, Lục Ngạn đề ra mục tiêu xây dựng, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Huyện đặt mục tiêu xây dựng, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn với hai không gian du lịch chính là khu vực hồ Cấm Sơn và vùng cây ăn quả; giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, phát triển kinh tế; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường nước khu vực hồ Cấm Sơn; bảo vệ môi trường, phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch, đa dạng hóa các kênh truyền thông trên nền tảng số như website, mạng xã hội, các ứng dụng thông minh, huyện đã nâng cấp hạ tầng internet, phủ sóng wifi miễn phí các khu, điểm du lịch đông khách tham quan.
Để phát huy tiềm năng du lịch, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch, Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với tổng kinh phí thực hiện gần 200 tỷ đồng. Chúng tôi tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động người dân tại các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái hưởng ứng, tích cực tham gia đầu tư xây dựng nhà truyền thống, nhà chòi, các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch; phối hợp chặt chẽ với các công ty du lịch để hình thành tour, tuyến đưa khách du lịch đến với Lục Ngạn; thực hiện bồi dưỡng nguồn nhân lực làm du lịch; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, công tác xã hội hóa, thành lập các hợp tác xã du lịch cộng đồng để tăng cường nguồn lực, đa dạng hóa các dịch vụ, các sản phẩm du lịch và tham gia vận hành có hiệu quả hoạt động du lịch tại địa bàn; mỗi điểm du lịch đều có các sản phẩm lưu niệm đặc trưng để giới thiệu, bán cho du khách”.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, sự đa dạng về vốn văn hóa đặc sắc cùng sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền địa phương, nhà đầu tư, du lịch sinh thái cộng đồng của huyện Lục Ngạn sẽ là sản phẩm du lịch thu hút nhiều du khách đến thưởng thức, trải nghiệm trong tương lai./.
Nguyễn Thúy